Công trình mở rộng hầm Đèo Ngang đang được thi công khẩn trương với mục tiêu thông hầm vào ngày 15/7. Dù điều kiện thi công thuận lợi, dự án vẫn lo ngại chậm tiến độ do mặt bằng được bàn giao chậm.
Hối hả thi công
Tại công trình mở rộng hầm đường bộ Đèo Ngang – điểm nối quan trọng giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình trên tuyến quốc lộ 1A, không khí thi công đang rất khẩn trương. Công ty CP Sông Đà 10 (thuộc Tổng công ty Sông Đà) đã huy động toàn bộ nguồn lực, tổ chức thi công liên tục “3 ca, 4 kíp” tại cả hai đầu hầm, phấn đấu thông hầm vào ngày 15/7.

Hầm mới Đèo Ngang có chiều dài 555m, được đào theo hai hướng: Từ cửa Bắc thuộc thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và cửa Nam thuộc huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).
Theo kỹ sư Lâm Văn Trường, cán bộ điều hành tại công trường, hiện đã có khoảng 100 công nhân đang trực tiếp tham gia thi công với hai mũi dây chuyền và một máy khoan hầm tự hành.
“Chúng tôi đang khoan gia cố, cắm neo vượt trước, sau đó dán lưới thép, dựng vỉ và phun vẩy bê tông gia cố. Cửa hầm phía Bắc đã thi công được 150m, còn phía Nam mới đạt khoảng 50m. Mục tiêu là sẽ thông hầm đúng kế hoạch vào giữa tháng 7”, kỹ sư Trường cho biết.
Công nhân điều khiển máy khoan hầm tự hành.
Theo ông Hoàng Sỹ Ánh, cán bộ kỹ thuật Công ty Sông Đà 10, điểm thuận lợi lớn nhất là địa chất tại khu vực Đèo Ngang tương đối ổn định, không cần xử lý kỹ thuật quá phức tạp. Hơn nữa, do chiều dài hầm ngắn, hệ thống thông gió tự nhiên hoạt động hiệu quả giúp bụi được hút ra nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khoan và phun bê tông.
Với năng lực từng thi công nhiều dự án hầm lớn như hầm đường bộ Hải Vân, nhà thầu Sông Đà 10 được đánh giá có đủ thiết bị, kỹ thuật và nhân công để đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công hầm Đèo Ngang. Tuy nhiên, không vì thế mà công trình không gặp khó khăn.
Mặt bằng chậm bàn giao, mất gần 1/3 thời gian thi công
Dù các điều kiện thi công cơ bản thuận lợi, nhưng tiến độ công trình lại đang bị “nén” do mặt bằng chậm bàn giao.
Theo ông Lê Thanh Chung, Tư vấn giám sát thuộc Công ty Britex, công trình hầm Đèo Ngang được thiết kế và ký hợp đồng triển khai trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, thực tế công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) bị chậm tới 5 tháng, khiến dự án mất gần 1/3 thời gian thi công.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là mặt bằng chưa được bàn giao đầy đủ. Cụ thể, tuyến điện 35kV chạy qua khu vực thi công chưa được di dời nên chưa thể xây dựng nhà điều hành để cấp điện cho hầm. Trong khi đó, vật liệu đất, đá từ việc đào hầm, theo hồ sơ thiết kế sẽ được dùng làm nền đường, hiện không có chỗ chứa do chưa có mặt bằng, phải chất đống trước cửa hầm gây cản trở thi công”, ông Chung nói.
Tại thị xã Kỳ Anh – nơi đặt cửa hầm phía Bắc, UBND thị xã đã cơ bản bàn giao 5,17/5,39 ha đất phục vụ thi công. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc: 4 thửa đất với tổng diện tích 1.215m² chưa được người dân bàn giao, chính quyền địa phương đang tích cực vận động.
Ngoài ra, có một trường hợp hộ dân dù thuộc diện tích đã bàn giao nhưng vẫn ngăn cản thi công với lý do chưa rõ ràng về nguồn gốc đất. UBND phường Kỳ Nam và Hội đồng bồi thường đang xác minh lại hồ sơ để xử lý dứt điểm trong tháng 5/2025.
Hiện, phía Nam cửa hầm đang gặp khó khi chưa bàn giao mặt bằng.
Về phía cửa hầm phía Nam tại huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), mặt bằng đến nay vẫn chưa được bàn giao. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đang trình phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 13/14 hộ dân với kinh phí dự kiến hơn 4 tỷ đồng.
Dự kiến, đến ngày 26/5 sẽ có quyết định phê duyệt, sau đó tiến hành chi trả và bàn giao mặt bằng trong tháng 5. Riêng trường hợp hộ dân còn lại, chính quyền tiếp tục tuyên truyền, vận động.
Nguồn: Báo Giao thông